Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Thủ tướng: Hà Nội phải trở thành trung tâm khởi nghiệp!

[Vn. 4/6/2016] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 4/6, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Tới dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và  trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội, đại diện các cơ quan  ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đây là hội nghị với doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, nhằm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giao nhiệm vụ tiên phong cho Hà Nội
“Qua quan sát mấy tháng qua, tôi thấy sự chuyển động của Hà nội là đúng hướng, là rất tích cực”, Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị lớn về doanh nghiệp với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo Thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sau Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29/4 tại TPHCM, với 5 nội dung rất ý nghĩa: Gặp mặt doanh nghiệp, giải quyết kiến nghị,  kêu gọi đầu tư, ký kết hợp tác và vinh danh doanh nghiệp.
"Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”, Thủ tướng biểu dương.
Bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ có chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng, xứng đáng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
Muốn như vậy, chính quyền Thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính.
Trong xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo Thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.
Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, chẳng hạn: Thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn; có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Tôi xin nhắc lại, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế-xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài”, Thủ tướng nói.
Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng những lợi thế sẵn có. Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ.
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu về công tác quy hoạch đối với Hà Nội, với quan điểm quy hoạch của một thành phố không phải là một bản vẽ kỹ thuật mà phải là sự tổng hòa của các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. “ Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải ngày càng nhỏ đi nhưng hiệu quả hơn. Hà Nội cần phải đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối này.
Phát biểu trước hàng trăm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng  thể chế, quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết của Hà Nội về xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mời gọi đầu tư vào 95 dự án, tổng vốn khoảng 33,5 tỷ USD
Phát biểu với đại diện doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết của Thành phố về xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết từ yêu cầu và nhiệm vụ đầy thách thức của giai đoạn 2016-2020, Thành phố cần huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%. “Tức là, đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô”, ông Hoàng Trung Hải bày tỏ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào Thành phố giai đoạn 2016-2020, gồm 52 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) với tổng vốn hơn 338.000 nghìn tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD); 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng vốn hơn 372.000 tỷ đồng (khoảng 17,5 tỷ USD).
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cam kết ngay từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng; cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; duy trì tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%; nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%.
Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch; rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21-26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.
“TP. Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các bạn để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và thông báo đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn đăng ký vào 52 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi đầu tư mà Thành phố đưa ra, với tổng vốn đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu các danh mục dự án mời gọi đầu tư vào Thành phố Nội giai đoạn 2016-2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại hội nghị, đại diện một số tổ chức quốc tế, đại diện các Đại sứ quán, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cũng trình bày tham luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào Hà Nội, tạo ra môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn.
Trong dịp này, UBND TP. Hà Nội ký 8 biên bản ghi nhớ, hợp tác với 7 tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và ký  biên bản ghi nhớ triển khai 7 chương trình an sinh xã hội với 16 đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong khuôn khổ hội nghị, TP. Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: Viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.

{nguồn: baochinhphu.vn}




Lãnh đạo chính quyền quân sự bảo đảm Thái Lan "sẽ quay về nền dân chủ"

[Vn. 4/6/2016] Người đứng đầu chính quyền do quân đội thống trị của Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, lên tiếng bênh vực việc ông ta chiếm chính quyền hai năm trước để tránh bất ổn hơn nữa "hoặc thậm chí là nội chiến."


Donald Trump: Hillary Clinton lẽ ra phải ngồi tù!
Âm nhạc: Như bài hát Quốc ca VNCH!


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, Singapore, ngày 3 tháng 6 năm 2016.


Trên cương vị tổng tư lệnh quân đội, ông Prayuth đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 5 năm 2014 và kể từ đó đã trở thành thủ tướng. Hôm thứ Sáu ông phát biểu trước cử tọa tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực rằng, "Tôi có thể bảo đảm với quý vị là Thái Lan sẽ quay trở lại nền dân chủ."
Việc quân đội tiếp quản một chính phủ dân sự suy yếu là cần thiết "để đưa đất nước đi theo con đường cải tổ" và ngăn chặn tổn thất thêm nữa cho nền kinh tế của vương quốc "vốn đã bị mất cân bằng."
Chính quyền quân sự nắm quyền vào lúc tiếp tục có những lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol rất được tôn kính. Năm nay 88 tuổi, ông là vị quân chủ trị vì lâu nhất thế giới. Trong những năm gần đây ông đã dành phần lớn thời gian trong một bệnh viện ở Bangkok.
Phản bác những chỉ trích của quốc tế về quyền hành sâu rộng của chính quyền quân sự và việc trấn áp những quyền tự do dân sự, ông Prayuth nói, "Chúng tôi không hề có bất kỳ ý định nào vi phạm nhân quyền... tất cả những biện pháp của chúng tôi đều dựa trên pháp trị."
Dưới sự giám sát của chính quyền quân sự, một hiến pháp mới đã được soạn thảo và sẽ được trưng cầu dân ý vào tháng 8, nhưng tranh luận về bản hiến pháp, vốn bị chỉ trích khắp hệ tư tưởng chính trị trong nước, đang bị ngăn chặn.
Người dân cầu nguyện trước chân dung Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej tại Đại Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18 tháng 2 năm 2016.


Ông Prayuth gần đây tuyên bố rằng bác bỏ hiến pháp này sẽ trì hoãn cuộc bầu cử chọn một chính phủ mới và rằng ông ta có thể sẽ phải lưu nhiệm "bất kể quý vị có ghét tôi bao nhiêu đi chăng nữa."
Thái Lan, đồng minh quân sự đáng tin cậy của Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, dưới chính quyền quân sự hiện tại, đã có những mối quan hệ an ninh và thương mại nồng ấm với cả Trung Quốc và Nga, sau khi Washington chỉ trích cuộc đảo chính và thẳng thừng bày tỏ lo ngại của mình về việc đàn áp nhân quyền và không nhanh chóng khôi phục nền dân chủ.
Thái Lan và những nước vừa và nhỏ khác đang "tránh được cái bẫy của việc phải chọn phe," ông Prayuth nói.
Bài phát biểu của ông ta tại bữa tối khai mạc hội nghị, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, là sự kiện mở màn cho sự kiện chính hàng năm ở đây, nơi thỉnh thoảng chứng kiến những trao đổi đôi khi gay gắt giữa những quan chức quân sự cao cấp của Mỹ và Trung Quốc.
Những phái đoàn chính thức, những nhà phân tích an ninh và những học giả từ hơn 50 quốc gia vào ngày thứ Bảy sẽ mổ xẻ những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hay PLA, về việc Trung Quốc quân sự hóa những đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Tôn, người phụ trách quan hệ đối ngoại của cho PLA, hôm thứ Sáu được cho là đã gặp riêng những quan chức an ninh từ tám quốc gia trước Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á.
Hội nghị diễn ra giữa lúc hầu hết những nước thành viên ASEAN đang ngày càng lo lắng về điều được nhìn nhận là những hành động ngày càng hung hăng và việc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La, ngày 3 tháng 6 năm 2016.

Những hành động này được xem là chất xúc tác chính cho Việt Nam và Mỹ, hai nước cựu thù, tiến tới quan hệ an ninh chặt chẽ hơn. Điều này được nêu bật trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng rồi tới Việt Nam, nước cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.
Bắc Kinh cáo buộc Mỹ quân sự hóa biển Đông bằng việc thực hiện những cuộc tuần tra "tự do hàng hải" bằng tàu thuyền và máy bay.
Hội nghị này ở Singapore diễn ra trước khi có một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện chủ quyền của Philippines nhắm vào Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tuyên bố là họ sẽ không tuân hành phán quyết của tòa án ở La Haye và coi quá trình này là bất hợp pháp.
Một nhà lập pháp có ảnh hưởng của Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết ở Singapore hôm thứ Sáu rằng có thể có những hậu quả nếu Bắc Kinh làm đúng như họ đe dọa là bác bỏ phán quyết của tòa án Liên Hiệp Quốc.
Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi các nước trong khu vực ủng hộ những phát biểu của Washington rằng phán quyết của tòa án nên có tính ràng buộc.
"Mỹ và thế giới đang trông cậy vào những quốc gia Đông Nam Á một lần nữa vận dụng sức mạnh và sự quyết tâm của mình cho việc duy trì một hệ thống mà nền an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào," ông McCain nói trong một bài phát biểu tại Đại học Công nghệ Nanyang.
Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị danh dự tại Đại học New South Wales, nói rằng những luật sư quốc tế không cho rằng tòa án sẽ thực sự đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của "đường chín đoạn" của Trung Quốc bao phủ một phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền,
Trả lời câu hỏi của VOA về những lo ngại rằng Trung Quốc đã sẵn sàng tuyên bố "một vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) ở Biển Đông, ông Thayer, tại Đối thoại Shangri-La, nói, "Trung Quốc không có khả năng làm việc đó ... họ chỉ chỉ đang chơi trò đấu trí mà thôi."
ADIZ là một khu vực, được tuyên bố công khai, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia nơi mà những máy bay không khai báo danh tính có thể bị truy vấn qua điện đài và có thể bị chặn lại để xác định danh tính trước khi bay vào không phận có chủ quyền.
Vào năm 2013, Trung Quốc áp đặt một ADIZ ở Biển Hoa Đông bên trên một quần đảo do Nhật Bản kiểm soát, được gọi là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung Quốc.
{nguồn: voatiengviet.com}




Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Donald Trump: Hillary Clinton lẽ ra phải ngồi tù!

[Vn. 3/6/2016] Donald Trump hôm qua cho rằng Hillary Clinton lẽ ra phải ngồi tù vì sử dụng thư điện tử cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ.


Bà Clinton đả kích ông Trump trong bài diễn văn chính sách đối ngoại..
Như bài hát Quốc ca VNCH!


Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters.

"Tôi sẽ nói thế này, Hillary Clinton lẽ ra phải ngồi tù", CNN dẫn lời Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, nói với người ủng hộ ở thành phố San Jose, bang California, đề cập đến việc bà Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ. "Thành thật mà nói thì bà ấy có tội".
Tỷ phú 70 tuổi từng cáo buộc bà Clinton vi phạm luật liên bang nhưng hôm qua là lần kêu gọi bắt giam cựu nữ ngoại trưởng Mỹ trực tiếp nhất của ông. Trước đó, tại một buổi họp báo hồi đầu tuần, ông từ chối trả lời hành động của bà Clinton có phải là trọng tội hay không.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra quá trình bà Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân để xác định xem liệu có ai vô tình nhận được thông tin mật. Trump hôm qua còn đề xuất nếu bà Clinton không bị truy tố thì ông sẽ chỉ đạo bộ trưởng Tư pháp điều tra.
"Trong vòng 5 năm, nếu tôi chiến thắng. Mọi thứ sẽ công bằng. Tôi chắc chắn bộ trưởng Tư pháp sẽ rất chú ý xem xét vấn đề", Trump nói.
Trump đưa ra bình luận trên sau khi bà Clinton có bài phát biểu về chính sách đối ngoại, mô tả ông là "nguy hiểm" và "tính khí không phù hợp" để trở thành tổng thống Mỹ. Để đáp trả, ông chỉ trích cách Clinton phát biểu, cho rằng "rất khó tỉnh táo" khi nghe bà nói.
{nguồn: vnexpress.net}

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Bà Clinton đả kích ông Trump trong bài diễn văn chính sách đối ngoại..

[Vn. 3/6/2016] Ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton gọi đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump là nguy hiểm và không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống trong một bài diễn văn về chính sách đối ngoại với lời lẽ chỉ trích gay gắt hôm thứ Năm tại thành phố San Diego, bang California.

Như bài hát Quốc ca VNCH! (sáng tác: nhiều nhạc sĩ)
Chuyên gia Mỹ cảnh báo dịch Zika sắp xảy ra!



Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton phát biểu về an ninh quốc gia ở San Diego, California, ngày 2 tháng 6 năm 2016.


Bà nói: "Tính khí của ông ta không thích hợp để ông ta nắm giữ một chức vụ đòi hỏi kiến thức, sự ổn định và trách nhiệm lớn lao. Đây là người không bao giờ được nắm mật mã hạt nhân trong tay."
Bà Clinton nói ông Trump "không hiểu nước Mỹ, hay thế giới." Bà nói tiếp: "Không khó để hình dung Donald Trump dẫn dắt chúng ta vào một cuộc chiến tranh chỉ vì ai đó làm ông ta khó chịu."
Đã đoán biết bà Clinton sẽ nói gì trong bài diễn văn, ông Trump tấn công đối thủ Dân chủ của ông ta trên Twitter. Ông ta viết: "Hillary Clinton Xằng Bậy, người mà tôi rất muốn gọi là Hillary Nói Láo, đang chuẩn bị sẵn sàng để hoàn toàn xuyên tạc quan điểm chính sách đối ngoại của tôi."
Ứng cử viên tiêu biểu của Đảng Cộng hòa Donald Trump

Bà Clinton nhấn mạnh kinh nghiệm của chính mình trên cương vị đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và bộ trưởng ngoại giao, nói rằng bà sẽ mang lại cung cách ngoại giao ổn định mà nước Mỹ cần.
Ông Trump, ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống, đã hứa sẽ tạm thời ngăn chặn người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Trong một bài phát biểu chính sách đối ngoại hồi tháng 4, ông Trump nói: "Cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan cũng diễn ra trên quê hương chúng ta. Có hàng chục di dân gần đây bên trong biên giới của chúng ta bị buộc tội khủng bố. Cứ mỗi trường hợp mà công chúng biết tới lại có thêm hàng chục trường hợp khác. Chúng ta phải ngưng nhập khẩu chủ nghĩa cực đoan thông qua những chính sách nhập cư vô nghĩa."
Những đề xuất chống khủng bố khác của ông Trump bao gồm tuyên bố sẽ tra tấn và giết hại gia đình của những nghi can khủng bố và nhắm mục tiêu tấn công Nhà nước Hồi giáo. "Tôi có một thông điệp đơn giản cho bọn chúng," ông Trump nói. "Bọn chúng sắp tận số. Tôi sẽ không cho bọn chúng biết ở đâu và bằng cách nào. Nhưng chúng sẽ biến mất. Và mau chóng."
Nhưng bà Clinton nói ông Trump làm tổng thống sẽ có hiệu ứng ngược lại. "Trump làm tổng thống sẽ khiến ISIS càng thêm táo tợn," bà nói, dùng một từ viết tắt của Nhà nước Hồi giáo.
Bà Clinton liệt kê những phát biểu của ông Trump về mọi thứ từ liên minh NATO cho tới những mối đe dọa từ Nga và Bắc Triều Tiên, và mô tả những phát biểu của ông ta về biến đổi khí hậu là trò cười.
Bà nói: "Nếu Donald làm theo ý mình thì bọn họ sẽ ăn mừng trong Điện Kremlin. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra."
Bà Clinton cũng công khai mỉa mai thói quen của ông Trump hay viết trên Twitter.
"Chúng ta đều biết những công cụ mà Donald Trump sẽ mang tới: khoe khoang, chế giễu, viết những dòng phản cảm trên Twitter," bà nói. "Tôi dám cá là ông ta đang viết ngay lúc này đây."
Và ông Trump làm đúng như vậy: "Hillary Clinton Xằng Bậy nói năng dở tệ! Đọc từ máy nhắc bài mà còn tệ vậy! Bà ta thậm chí trông chả ra dáng tổng thống nữa là!"
Bà Clinton đọc bài diễn văn này năm ngày trước khi bang California tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, dự kiến sẽ cho bà Clinton những đại biểu mà bà cần để giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ, mặc dù một vài cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc đua đã trở nên sít sao ở California. Đối thủ Bernie Sanders đã ráo riết vận động ở đó.

{nguồn: voatiengviet.com}


Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng...

[Vn. 3/6/2016] Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.



ASEAN hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm..
Như bài hát Quốc ca VNCH! (sáng tác: nhiều nhạc sĩ)


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu hàng loạt giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát khi kết luận Phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Dành trọn một ngày làm việc về phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã nghe 19 ý kiến phát biểu, thảo luận về các mặt được, chưa được của nền kinh tế cũng như đề xuất giải pháp.

Các thành viên Chính phủ nhất trí tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng cũng như việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn lực cho tăng trưởng
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội để bảo đảm các mục tiêu đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Dẫn lại một số ý kiến cho rằng tăng trưởng dưới tiềm năng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, phải chăng đây là tiềm năng con người, tiềm năng thể chế và tổ chức thực hiện khi mà tiềm năng vốn khá hạn hẹp. Phó Thủ tướng đề nghị phải có tổ hợp giải pháp về tái cơ cấu, đồng thời cần xác định tiến độ hoàn thành, thời hạn đối với các đề án tái cơ cấu như tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tổ chức thực hiện, làm sao biến niềm tin đó thành kết quả cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy sản xuất.
Trên góc độ đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, thời gian qua, việc tận dụng lợi ích từ các FTA đạt hiệu quả chưa cao, trong khi nếu tranh thủ tốt các FTA thì sẽ có dư địa cho tăng trưởng. Phó Thủ tướng cho biết các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán, tiến tới ký kết nhiều FTA theo hướng bảo đảm tối đa lợi ích. Do đó, phải có cơ chế, chính sách để có thể tận dụng đầy đủ lợi thế mà các FTA mang lại.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nguồn lực đất đai của chúng ta còn lớn, cần phải giải phóng hơn nữa nguồn lực này. Cho rằng thời gian qua, còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất, nhất là còn nhiều dự án treo, Bộ trưởng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tích cực vào cuộc, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh kiểm tra vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì bày tỏ băn khoăn, “tiền có rồi nhưng giải ngân chậm; nên đẩy mạnh được công tác này. Đây chính là dư địa cho tăng trưởng”.
Phải đánh giá tác động trước khi điều chỉnh giá
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và khẳng định lại quyết tâm: Chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 mà Quốc hội đã thông qua.
“Cả hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương phải chuyển biến mạnh mẽ để phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát lạm phát, phấn đấu không vượt mức 5% đã đề ra. Khi dự kiến điều chỉnh giá, Bộ chủ trì, cùng với các bộ liên quan phải đánh giá tác động tới mặt bằng giá, cả trực tiếp và gián tiếp. Phối hợp tốt các chính sách trong quá trình điều hành, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không giải ngân được
Về các giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Các bộ trưởng cần công bố rõ lộ trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN-4, nếu đơn vị, bộ phận nào không thực hiện đúng thì xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị, bộ phận đó; phải kiểm tra ở tất cả các khâu chứ không chỉ dừng ở quy định trên giấy.
Dẫn trường hợp Indonesia giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, Thủ tướng lưu ý, “nếu chúng ta không cải cách, không đổi mới, không giải quyết nhanh thủ tục thì sẽ tụt hậu”.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, vốn ngân sách, ODA khi mà hiện nay, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 20%. “Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không giải ngân được”, Thủ tướng nêu rõ và lưu ý, hiện còn trên 22 tỷ USD vốn ODA cam kết chưa được giải ngân. Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các thủ tục giải ngân, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 6 này.
Huy động nguồn lực nhân dân cả trong và ngoài nước là giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu bởi đây là nguồn lực rất lớn, chỉ tính kiều hối, mỗi năm có trên 10 tỷ USD. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án huy động nguồn lực trong dân để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Không để doanh nghiệp “hụt hơi” do chi phí vốn
Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng phương án giảm dần lãi suất cho vay gắn liền với xử lý nợ xấu, không để doanh nghiệp “hụt hơi” do chi phí vốn, chi phí không chính thức. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương hoàn thiện, trình dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần chi phối vốn theo cách thức công khai, minh bạch, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tránh tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lập ra các doanh nghiệp sân sau; đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Đoàn thanh niên, hội sinh viên cần tiếp tục phát động cao trào khởi nghiệp trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, sớm trình Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Nếu có mô hình tốt thì dư địa tăng trưởng trong nông nghiệp rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết pháp luật, nhất là đối với các luật có hiệu lực từ 1/7, bảo đảm chất lượng để giải phóng sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển.
Về lĩnh vực xã hội, bên cạnh yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công, Thủ tướng nêu rõ, không để nhân dân ở Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung bị đứt bữa, con cái thất học, bệnh tật do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Xử lý việc hội họp, đi nước ngoài gây lãng phí
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trước hết tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2016; quan tâm bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm phát luật về môi trường, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là việc hội họp, xây dựng trụ sở, tổ chức đi nước ngoài và một số mục chi ngân sách không hợp lý, không đúng quy định.
Yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính, Thủ tướng nêu rõ, yếu kém trong lĩnh vực này sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân, là nguyên nhân của sự trì trệ trong phát triển. Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm công bố kết thúc quy hoạch treo ở các địa phương
Đối với công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng nêu yêu cầu phải định hướng đúng đắn dư luận, tạo đồng thuận vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các bộ, ngành phải phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, phải hành động quyết liệt, sáng tạo, phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cũng như trực tiếp lắng nghe ý kiến nhân dân để phục vụ người dân tốt hơn.
{Nguồn: baochinhphu.vn}




Phụ huynh ngơ ngác vì tờ "giấy khen từng mặt", khiến cư dân mạng buồn cười!

[Vn. 2/6/2016] Cầm tờ giấy khen cuối năm học của con gái học lớp 1, anh Đ.D (Hà Nội) ngớ người với dòng chữ khen: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, vì chưa từng thấy danh hiệu này bao giờ.


ASEAN hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm..
Trung Quốc (tàu khựa) sợ điều gì nhất ở Biển Đông? Phải chăng là quân đội Mỹ??



Giấy khen "từng mặt" của Trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội.

Không giải thích nổi, anh Đ.D đã đăng tải lên mạng xã hội facebook để “cầu cứu” mọi người giải thích cho bản thân và chỉ sau vài giờ đăng tải đã có hàng trăm người bình luận chỉ trích kiểu khen "ẩu" này.  

Rất nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về giấy khen thiếu trách nhiệm của nhà trường như “Bó tay, thật không thể hiểu nổi”. Có nhiều người nói rằng "đến hôm nay mới được thấy giấy khen như thế này”. Thậm chí có người còn cho đây là một trò đùa: “Kể cả là khen nhưng khen vậy là chưa đầy đủ. Hoàn thành tốt môn gì, giỏi cái gì thì phải ghi rõ thành tích ấy! Trường này định đùa phụ huynh đây”.

Một thành viên khác phỏng đoán: “Chắc tương ứng với học sinh tiên tiến ngày xưa nhé. Khen từng mặt có nghĩa là có mặt vẫn chưa được khen. Giấy khen này viết không rõ là khen mặt nào".



Facebooker Thùy Giang viết: “Thật bó tay với giấy khen của trường này. Định đánh đố phụ huynh à? Không hiểu danh hiệu học sinh khen từng mặt là như thế nào? Giấy khen như thế này thì không biết cần để làm gì khi mà cả phụ huynh và học sinh đều không hiểu. Chắc chỉ để cho có, gọi là có bằng khen. Sao cứ phải phức tạp lên như thế. Cứ như ngày trước xuất sắc, giỏi, tiên tiến, trung bình, yếu cho dễ hiểu”.

Số khác thì cho rằng đây là hậu quả của việc áp dụng máy móc thông tư 30 (bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, đánh giá) trong giáo dục tiểu học.  

Trao đổi với báo Phụ nữ Việt Nam, bà Trần Thị Tám, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) xác nhận giấy khen đó đúng là của trường mình. Sở dĩ giấy khen ghi vậy là  do nhà trường thực hiện theo thông tư 30. Chúng tôi có hai hình thức khen học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt.
Khi PV hỏi khen từng mặt vậy liệu hiệu trưởng có biết là em đó được khen về điều gì, bà Tám phân trần: Thực ra là phải cụ thể hóa ra là từng mặt đấy là các em nổi trội mặt nào, ví dụ nổi trội về môn Toán, môn Tiếng Việt, hay thể dục thể thao,… Nhưng chúng tôi cũng dùng từ hơi chung quá là "khen từng mặt". Nhà trường đã nhận ra lỗi của mình khi khen khó hiểu nên chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để những năm sau ghi cụ thể hơn.

{nguồn: phunuvietnam.vn}





ASEAN hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm..

[Vn. 2/6/2016 ] Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF - ASEAN lần thứ 25 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu bật những thành tựu nổi bật của Việt Nam, những trọng tâm hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.


Tàu chiến Úc cập cảng Sài Gòn..
Tuyển tập nhạc trẻ hay nhất năm 2016!


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ 3 nội dung lớn nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trên con đường xây dựng cộng đồng ASEAN có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Đó là môi trường hòa bình, an ninh khu vực còn tiềm ẩn nhân tố bất ổn; khoảng cách phát triển gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai tác động ngày càng lớn đến sự phát triển của khu vực.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài. Từ thực tiễn hợp tác ASEAN thời gian qua, để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm, Phó Thủ tướng chia sẻ 3 nội dung lớn nhằm hướng tới mục tiêu này.
Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học, công nghệ là những yếu tố cần thiết để xây dựng nền kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiệu quả.
Thứ hai, để hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, các nước ASEAN cần chuẩn bị tốt về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Trọng tâm thứ ba nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là phải thu hẹp khoảng cách phát triển, bởi không thể đạt được tăng trưởng bao trùm nếu vẫn còn khoảng cách phát triển ở mỗi nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN. Do đó, xóa nghèo bền vững và thực hiện hiệu quả an sinh xã hội phải tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi nước và nghị sự ASEAN trong nhiều năm tới.

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Hợp tác trên tinh thần đoàn kết ASEAN
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác Mekong là một cấu thành quan trọng của tiến trình liên kết kinh tế ASEAN và khu vực. Những năm gần đây, kết nối hạ tầng giao thông, liên kết thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ trong khu vực Mekong. Việc hình thành các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam... đã đẩy mạnh kết nối kinh tế giữa các nước Mekong với nhau và giữa khu vực Mekong với các nước ASEAN khác cũng như các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với WEF tổ chức Hội nghị WEF về khu vực Mekong vào các ngày 25-26/10 tới tại Hà Nội. Hội nghị sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ các nước Mekong và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nhằm phát triển bền vững khu vực đầy tiềm năng này.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác trên tinh thần đoàn kết ASEAN và cùng chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề chung là nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.
“Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước ASEAN và các đối tác trên tinh thần và vì mục tiêu này. Tương lai tốt đẹp của khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương chỉ được bảo đảm trong môi trường hòa bình, ổn định, trong đó các quốc gia đều tuân thủ luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt cần tích cực hội nhập hơn nữa
Ngay sau khi tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể của Hội nghị WEF – ASEAN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành đã gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng cạnh tranh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tích cực hội nhập hơn nữa và việc tham dự các hoạt động của Diễn đàn kinh tế thế giới cùng các doanh nghiệp hàng đầu khác là một cơ hội tốt để khẳng định và phát huy bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam hiện có một số tập đoàn, tổng công ty lớn là thành viên của WEF gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup, VinaCapital, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Thép, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

{Nguồn: baochinhphu.vn}